rượi, bên tai tiếng nàng vẫn lảnh lót: “Có chuyện gì thế? Có phải thang máy hỏng rồi không?”
Bên dưới vọng lên tiếng trả lời: “Không phải! Giờ đang mất điện!”
Mất điện? Tôi mở cờ trong bụng, hỏi: “Lúc nào mới có điện?”
Lại là giọng nói ấy: “Trong đó còn có một người nữa à? Tất cả là bao nhiêu người?”
“Hai người,” tôi đáp.
“Thế thì tốt rồi. Chúng tôi vừa gọi cho bộ phận sữa chữa, họ nói hình như ở chỗ nào đó xảy ra sự cố, nên mới cắt điện, họ đang sửa rồi, chắc lát nữa là có điện thôi. Hai người ở trên đó không nên hoang mang, cùng đợi một chút là ổn.”
Ha ha! Tôi thầm hỉ hả, cảm giác như đất trời nổ pháp tưng bừng. Còn về mấy ngài ở bộ phận sữa chữa, trước nay tôi đều rất có lòng tin ở tốc độ làm việc của họ! Ha ha! Thế này thì tốt rồi, giờ nên nghĩ xem thời gian tiếp đây nên trải qua thế nào thôi.
“Hả?” Chỉ một tiếng “hả” của nàng đã chất chứa cả thất vọng, ưu tư, lo lắng lẫn bàng hoàng.
Người bên ngoài nói thêm mấy câu an ủi, rồi cũng bỏ đi. Một tiếng “rầm” từ bên dưới vọng lên, xem ra cửa thang máy lại đóng vào rồi! Thường thì tôi rất chướng mắt với thái độ làm việc của đám bảo vệ này, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, thái độ vô trách nhiệm của bọn họ đúng là cũng có mặt tích cực!
Nàng lúc này đã hơi cuống, luôn miệng nói: “Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ?”
Tôi cười thầm trong bụng, nhưng ngoài miệng vẫn bảo: “Chị đừng cuống, sẽ có điện ngay thôi.” Ngừng một lúc, tôi nói tiếp: “Trên này có viết đây, gặp phải tình huống khẩn cấp cần phải bình tĩnh.”
Nàng quay sang nhìn tôi, bất lực gật đầu.
Tiếp đó là một khoảng im lặng khá dài. Tôi cất điện thoại đi. Thang máy trở nên tối thui, tĩnh lặng. Nàng tỏ ra sợ hãi, nhịp thở gấp hẳn lên. Thế là tôi lại lôi điện thoại ra, chuyển sang chế độ đèn pin, đoạn nói: “Sao thế? Chị sợ à?”
Nàng gật gật đầu, rồi lại bất giác nhích lại gần tôi. Lòng tôi thầm hỉ hả. Thực ra vừa nãy tắt điện thoại chỉ là màn kịch của tôi thôi, mục đích chính là để nàng kề gần tôi thêm chút nữa. Quả nhiên, nàng chẳng nghĩ ngợi gì đã bị mắc lừa.
Lại im lặng, tôi mở lời trước: “Chị gọi điện về nhà đi! Không chừng không thể có điện ngay được đâu.”
Ban đầu nàng không trả lời, lúc sau mới nói: “Chồng tôi đi công tác, ở nhà không có ai.”
“Ồ.” Nghe vậy trong lòng tôi dấy lên một cảm giác là lạ. Không rõ vì sao, tôi có thiện cảm không thể diễn tả bằng lời đối với người phụ nữ trước mặt. Giờ đây biết nàng là hoa có chủ, trong lòng ít nhiều cũng có chút thất vọng.
“Anh… Anh cũng gọi điện về nhà đi.” Có vẻ nàng vốn không định lên tiếng gì, do dự hồi lâu mới nói với tôi.
Tôi cười cười: “Tôi ở một mình.” Lúc sau, nàng hỏi: “Sao 110 vẫn chưa đến nhỉ?”
Trời! Hóa ra nàng vẫn hy vọng vào đám người đó!
“À,” tôi nói, “chắc là tới rồi, qua phòng bảo vệ nắm được tình hình, biết sắp có điện nên lại đi rồi.”
“Sắp có điện à?” nàng lại hỏi.
Trời, tôi làm sao biết được. Tôi vừa nhủ thầm trong bụng, vừa thấy người phụ nữ này thật ngốc nghếch một cách đáng yêu.
“Có lẽ vậy,” tôi nói, rồi lại vội hỏi: “Sao? Chị sợ à?”
“Hơi hơi,” nàng nói. “ Tôi sợ tối!”
“Ha ha! Chẳng phải vẫn có ánh sáng đây sao? Điện thoại của tôi sẽ sáng mãi mãi (vì chị).” Tôi đã định nói ra hai từ “vì chị” ấy, nhưng lời đến miệng rồi lại thôi. Nói vậy thì sến quá, ngay đến tôi cũng không chịu nổi.
Không ngờ nàng đáp lời: “Thật không?” Làm tôi suýt chút nữa bất tỉnh nhân sự.
Thời gian chậm chạp trôi qua, nàng lại hỏi: “Anh cũng làm ở công ty này à?”
“Đúng thế,” tôi nói, lòng rung rinh, bèn rút một tấm danh thiếp trong túi ra đưa qua bên nàng: “Tôi ở Phòng Phát triển, là nhân viên mới, sau này mong chị chiếu cố.”
Nàng thấy tôi đưa danh thiếp, dường như mỉm cười, đưa tay ra như vừa muốn nhận, lại như không muốn nhận. Tôi vội dúi tấm danh thiếp vào tay nàng. Nàng đón lấy, soi dưới ánh đên điện thoại hồi lâu mới đọc được tên tôi, đoạn nhoẻn miệng cười.
Điều này đã sớm nằm trong dự liệu của tôi. Trên đời này hầu như trước nay chưa từng có ai thấy tên tôi mà không cười, đặc biệt là phái nữ. Tuy thường ngày tôi rất ghét người ta cười giễu tên tôi, nhưng hôm nay thì khác. Đây cũng là một cách để thu ngắn khoảng cách giữa tôi và nàng. Nếu anh có thể khiến một phụ nữ cười liên tiếp ba lần, sự phòng vệ của nàng đối với anh sẽ giảm đi rất nhiều.
“Haiz!” Tôi cố ý thở dài. “Tên của tôi nghe ngốc lắm phải không? Thực ra nhà tôi ở nông thôn, bố mẹ đều ít học, nên mới đặt ra cái tên ấy!”
“Ở nông thôn thì làm sao?” nàng nói. “Tôi cũng từ nông thôn mà ra đây! Ai mà chẳng phải là người, sao phải phân biệt người thành phố với người nhà quê?”
Nghe nàng nói vậy, lòng tôi lại mở cờ. Tôi vốn định diễn vở bi kịch, ai ngờ nàng cũng xuất thân từ nông thôn. Thật không ngờ! Ngời ngời khí chất thiếu phụ duyên dáng như nàng, lại cũng là dân quê giống tôi. Thế này thì khoảng cách lại được thu hẹp đáng kể đây.
“Đúng thế, đúng thế!” tôi nói. “Nhưng vẫn có mấy người thành thị vô vị, coi người khác là đồ nhà quê. Thực ra mọi người đều như nhau, tổ tiên cụ kỵ đều ở nông thôn cả thôi.”
Có lẽ trước khi mới lên thành phố nàng cũng đã từng chịu đựng không ít uất ức vì chuyện này, nên chủ đề “nông thôn” ngay lập tức được hưởng ứng. Hơn nữa có nghiên cứu đã chứng minh, con người ở trong hoàn cảnh sợ hãi không nơi bấu víu thường nói rất nhiều, có lẽ vì muốn dùng lời nói giải tỏa áp lực.
Thế là, câu chuyện giữa chúng tôi càng lúc càng cởi mở, khoảng cách nhờ vậy càng xích gần hơn. Tôi chọn mấy chuyện buồn cười trong công ty đem kể. Một là bởi đều là chuyện xảy ra ngay trong công ty, nàng nghe sẽ thấy khá gần gũi; hai là, phụ nữ mà, chuyên thích nói chuyện thị phi; ba là cũng để chọc cho nàng vui.
Quả nhiên, nàng và tôi nói chuyện mỗi lúc một vui. Khi nói đến chuyện xấu của người nào nàng biết, nàng còn phá lên cười thích thú. Thời gian chậm rãi trôi qua, nàng cũng không hỏi bao giờ có điện nữa. Đến khi tôi bâng quơ hỏi một câu: “Sao vẫn chưa thấy có điện nhỉ?” nàng mới nhớ ra chúng tôi đang bị kẹt trong thang máy, bèn nói theo: “Đúng rồi! Sao vẫn chưa có điện?”
Tôi sướng phát điên trong lòng, xem ra món nước dùng này đã dần sôi rồi đây, đến lúc nhúng thịt dê rồi…
3.
Từ lúc mất điện tới giờ đã hơn bốn mươi phút. Tôi còn chưa ăn tối, ông bác ruột cứ réo ùng ục. Tôi hỏi nàng: “Chị ăn cơm chưa? Khốn thật, vẫn chưa có điện! Tôi còn chưa ăn tối nữa.”
“Lúc tối tôi ăn ít bánh quy rồi.” nàng nói.
“Chị còn bánh quy không?” Tôi đã đói đến muốn xỉu, nghe thấy hai từ bánh quy hai mắt bất giác sáng lên.
“Hết rồi,” nàng nói, giọng hơi ái ngại. Lát sau, nàng bất ngờ reo lên: “Đúng rồi! Trong túi tôi còn mấy viên kẹo cao su, anh có ăn không?”
Lần này thì tôi muốn ngất thật rồi! Ở đâu ra chuyện coi kẹo cao su như lương khô thế này? Thế nhưng tôi vẫn gật đầu: “Có!” Trong miệng có cái gì đấy chắc sẽ dễ chịu hơn một chút. Nàng lục túi tìm kẹo cao su cho tôi. Lúc nhận viên kẹo, ngón út tôi vô tình chạm vào tay nàng. Ha ha, vụ hời này không thể không nhận được.
Không ăn kẹo cao su còn đỡ, ăn vào rồi lại càng thấy đói. Thành ra tình thế đảo ngược, lại là tôi bắt đầu mong ngóng có điện. Nhưng điện đóm khốn khiếp vẫn không thấy đâu. Đám người bên phòng bảo vệ cũng chẳng buồn qua hỏi han. Hẳn bọn họ nghĩ sẽ có điện nhanh thôi. Xem ra bọn họ bị bộ phận sữa chữa che mắt rồi, 110 có khi cũng bị bọn họ che mắt rồi. Chậc, vậy tôi thì che mắt ai đây?
Đang mãi nghĩ, tôi chợt nghe nàng cất tiếng: “Trước đây thang máy của công ty cũng gặp sự cố mấy lần, nhưng lần nào số người bị kẹt cũng được cứu ra ngay! Hơn nữa, tệ lắm thì 110 sẽ tới tiếp quản thôi!”
Nghe nàng thủ thỉ bên tai, lòng tôi lại thổn thức, thầm nghĩ: Giờ thì tôi chỉ có thể che mắt chị thôi.
Nghĩ vậy, tôi bèn nói: “Chị nói cũng đúng! Nhưng… chúng ta sẽ không gặp phải chuyện gì không hay chứ?”
“Chuyện gì không hay?” nàng hỏi, không hề hay biết đã sập vào bẫy của tôi.
“Trước đây tôi có đọc trên mạng, nghe nói rằng trong tháng máy thường xảy ra những chuyện kỳ dị.” Tôi tiếp tục sắp bẫy.
“Chuyện kỳ dị?” nàng vẫn hỏi lại, dường như không hiểu điều tôi đang ám chỉ.
“Chính là ma ấy!” Tôi thấy nàng nghe mãi không thông, bèn nói thẳng luôn. Vừa dứt lời, nàng đã hoảng sợ hét lên thất thanh, âm vực vượt xa dự liệu của tôi, đạt thẳng đến cấp số khủng bố. Nghe nàng hét mà tôi run lẩy bẩy.
Vốn định dọa nàng tí chút, không ngờ lại bị tiếng hét của nàng dọa cho giật nẩy mình!
Nàng hét mãi hồi lâu mới chịu ngừng, tôi bực bội nói: “Trời! Chị kêu la gì thế? Tôi có phải ma đâu!”
Thật không ngờ, nàng nghe xong câu đó còn hỏi lại: “Thật không?”
Hóa ra trên đời này vẫn có người ngây thơ như vậy, mà còn là một thiếu phụ nữa! Tôi cười trong bụng, đồng thời cũng có cảm giác mừng thầm: với trí thông minh của nàng, chẳng phải quá dễ cho tôi che mắt dắt lên giường sao?
Đang mơ mộng hão huyền, điện thoại kêu lên bíp bíp mấy tiếng, chẳng bao lâu sau thì tắt ngấm.
Ánh đèn vừa tắt, nàng lại lập tức xích vào gần tôi. Chắc vẫn rất sợ hãi.
Chúng tối vốn đang ngồi rất gần nhau, giờ nàng lại xích thêm chút nữa, cánh tay đã kề sát bên tay tôi. Đang là mùa hè, thời tiết khá nóng, chúng tôi đều mặc áo cộc tay. Sự tiếp xúc này có thể nói là tiếp xúc da thịt được rồi. Cảm giác thật mịn màng! Không ngờ da trên cánh tay nàng lại mềm mượt thế này, vậy thì, da ở những phần quan trọng trên cơ thể nàng hẳn phải rất mỏng manh mềm mại lắm!
Tôi thấy tim đập binh binh trong lồng ngực, chỉ chực vọt thẳng lên họng. Trong bóng tối tuyệt đối này, hương nước hoa trên người nàng dịu dàng bao bọc lấy tôi. Cảm giác đó khiến toàn thân tôi ấm rực, đây mới gọi là tan chảy.
Đúng lúc tôi đang thần hồn điên đảo, thì đột nhiên, không biết từ đâu truyền tới một âm thanh trầm đục. Ngay sau đó, chỉ chừng vài giây, lại một âm thanh trầm đục khác. Rồi, vài giây sau nữa, vẫn là âm thanh đó. Như thể có thứ gì đó đang di chuyển.
“Ma!” Nàng cũng nghe thấy tiếng động ấy, miệng run run nói: “Là ma…”
Nói thực, giờ tôi cũng thấy hơi rờn rợn. Chỉ trách cái miệng quạ của tôi, vừa rồi nói gì không nói lại đi nhắc chuyện ma. Lẽ nào là ma nghe thấy tôi nhắc đến nó, nên mới mò qua đây?
Không nghĩ thì thôi, càng nghĩ lại càng thấy sợ. Hãi nhất là âm thanh trầm đục nó vang lên đều đặn rất có tiết tấu, mỗi lần vang lên đều như giáng một đòn xuống tim tôi.
Nàng sợ đến mụ mị, hai tay bấu chặt lấy cánh tay tôi. Sự bất an của nàng, qua đôi bàn tay truyền mãnh liệt sang phía tôi.
Còn không mau lôi điện thoại ra. Tôi nói: “Lấy điện thoại ra đi, ma sợ ánh sáng.” Nói thực tôi cũng không biết có phải ma sợ ánh sáng hay không, nhưng lúc này chỉ có thể nghĩ vậy thôi. Nào ngờ nàng đáp: “Điện thoại tôi hết pin từ chiều rồi.”
“Vậy cũng không phải cuống!” Tôi động viên nàng, thực ra cũng là tự nhủ với mình: “Chắc là thứ gì đó phát ra tiếng thôi, trên đời này