Chương 4: Và người phụ nữ khác (5)
“Đã tối thế này rồi sao còn phải bịt mắt nó rồi mới mang đi hả mẹ?” cô con gái thứ vừa lẽo đẽo chạy theo sau vừa hỏi. Mặc cho tôi giải thích rằng nếu không làm như vậy thì con chó sẽ tìm được đường quay về nhà, cô con gái vẫn có vẻ chưa hiểu ra.
“Nhưng trời đã tối thế này rồi cơ mà?”
“Ừ, trời có tối thì vẫn phải làm vậy.”
Con chó mẹ biết đứa con của mình không còn nữa nên suốt ngày rên rỉ đau đớn, cơm cũng chẳng buồn ăn. Nó phải ăn cơm mới có đủ sữa cho đàn chó con bú để còn lớn lên chứ. Cảm thấy cứ để mặc con chó mẹ thế thì nó sẽ chết mất, tôi mang con chó con về đặt lại bên cạnh chó mẹ, phải đến khi đó con chó mẹ mới chịu ăn cơm trở lại. Con chó ấy sống ở phía dưới cái thềm kia.
Chà, tôi không biết sẽ phải ngừng dòng hồi tưởng đang nảy nở như chồi non mùa xuân về mọi nơi trên mảnh đất này ở đâu nữa. Mọi thứ tôi đã lãng quên chợt ùa về. Từ những bát cơm trên kệ bếp tới những hũ lớn hũ bé đựng gia vị, từ những bậc thang gỗ nhỏ hẹp dẫn lên gác xép tới những cây bí ngô bò um tùm phía dưới rồi leo lên bò tường đất.
Ông không nên để nhà cửa đóng băng như thế.
Nếu khó khăn quá thì hãy bảo cô con dâu thứ giúp đỡ xem sao. Nó luôn thu dọn nhà cửa rất cẩn thận cho dù ngôi nhà đó không phải của mình. Nó có khiếu trong mấy việc này lắm, lại chu đáo và chân thành. Dù vẫn đi làm nhưng nhà cửa lúc nào cũng sạch bong mà thậm chí không có người giúp việc. Nếu thấy chăm nom nhà cửa khó khăn quá thì hãy nói với nó một câu. Để tôi bảo ông, nó mà động tay vào thì đồ cũ cũng trở thành đồ mới. Ông có nhớ vợ chồng nó đã thuê một ngôi nhà gạch ở khu tái định cư như thế nào không, chủ ngôi nhà ấy không hề sửa chữa gì cả, chính cô con dâu nhà mình đã tự tay trộn xi măng để sửa sang lại ngôi nhà. Một ngôi nhà sẽ trở nên đẹp đẽ hay xa lạ tùy thuộc vào người sống trong ngôi nhà ấy, tùy thuộc vào sự chăm sóc của chủ nhân. Khi mùa xuân đến, hãy trồng hoa ngoài sân nhé, cả cọ rửa sàn và sửa sang lại cái mái đã hỏng vì tuyết nữa.
Mấy năm trước, lúc bố của Hyong-chol say rượu, khi có người hỏi nhà ở đâu, ông đã nói rằng nhà mình ở phường Yokchon. Mặc dù Hyong-chol đã rời khỏi phường Yokchon hai mươi năm rồi. Trong trí nhớ của tôi phường Yokchon đã trở nên rất mơ hồ. Ông là người không bao giờ biểu lộ cảm xúc cho dù là vui hay buồn. Khi Hyong-chol mua được ngôi nhà đầu tiên của nó ở phường Yokchon trên Seoul, ông cũng không nói gì nhiều, nhưng tôi biết từ trong sâu thẳm, ông rất tự hào. Đó là lý do tại sao trong những lần say rượu ông quên lãng căn nhà này mà lại gọi tên căn nhà đó, căn nhà mà một năm chúng ta tới làm khách có ba hay bốn lần và chỉ ngủ lại một hoặc thỉnh thoảng là hai đêm. Ước gì ông cũng nghĩ đến ngôi nhà này theo cách đó. Trong góc sân trước hay ở sân sau của ngôi nhà này, dù tôi không trồng thì năm nào những bông hoa nhỏ xíu cũng đua nhau nở rực rỡ, đẹp mãi cho đến tận khi tàn. Trong sân trước, dưới thềm và sân sau, luôn có thứ gì đó tụ hội, đến rồi đi rồi chết. Chim chóc đậu trên dây phơi như thể đang giặt giũ phơi phóng, chúng vui đùa nhảy nhót ríu ran. Tôi thực sự nghĩ rằng một căn nhà sẽ dần trở nên giống với những con người sống trong đó. Tôi như vẫn thấy đàn vịt sống trong ngôi nhà này quác quác quanh sân và đẻ trứng khắp nơi. Tôi như vẫn thấy một ngày nắng đẹp, tôi mang một cái khay mây đựng củ cải thái lát mỏng phơi khô hoặc khoai sọ luộc ra đặt trên bức tường đất. Cảnh tượng cô con gái thứ phơi đôi giày thể thao trắng tinh sạch bong như mới dưới ánh nắng chợt vụt qua trước mắt tôi. Cô con gái lớn luôn thích ngắm nhìn bầu trời in hình trong giếng nước. Tôi như vẫn thấy hình ảnh Chi-hon đang múc nước bên bờ giếng thì ngưng lại nhìn xuống mặt nước, hai tay chống cằm.
Đã ở lại lâu quá rồi... Bây giờ tôi phải đi thôi.
Mùa hè năm ngoái khi bị bỏ lại một mình trên ga tàu điện ngầm Seoul, tôi chỉ nhớ được những chuyện hồi tôi lên ba tuổi. Lãng quên tất cả mọi thứ, điều duy nhất tôi có thể làm lúc ấy là bước đi. Bản thân tôi cũng không biết mình là ai nữa. Tôi cứ bước và bước. Tất cả mọi thứ đều mờ ảo. Cái sân nhà mà tôi thường chạy nhảy nô đùa hồi ba tuổi chợt hiển hiện trong tâm trí tôi. Lúc người cha bôn ba khắp nơi để đào vàng và khai thác than đá trở về, tôi mới lên ba. Tôi đi xa hết mức có thể. Tôi cứ bước đi giữa các tòa chung cư, trên những con đường đồi đầy bụi rậm và cả trên sân bóng. Tôi muốn đi đến đâu khi cứ cất bước mãi thế này? Có lẽ nào tôi muốn tới cái sân mình vẫn thường nô đùa dạo lên ba? Sau khi bố tôi trở về, sáng sáng ông lại đi bộ mười dặm đến làm việc tại công trường xây dựng nhà ga xe lửa mới. Bố tôi đã gặp tai nạn gì? Tai nạn gì mà khiến ông phải giã từ cuộc sống này vậy? Người ta kể rằng khi láng giềng đến báo cho mẹ tôi về tai nạn của bố, tôi đang chạy nhảy vui đùa ngoài sân. Tôi vẫn cứ chơi đùa khi thấy mẹ tôi loạng choạng chạy đến nơi xảy ra tai nạn với sự giúp đỡ của hàng xóm, gương mặt mẹ tái mét. Thấy tôi cười đùa ngoài sân, có người đi ngang qua bảo rằng, “Bố chết rồi không biết mà vẫn còn cười được, đúng là đứa trẻ dại ngơ dại nghếch,” rồi phét vào mông tôi. Với duy chỉ một ký ức ấy, tôi cứ lững thững bước đi cho đến khi kiệt sức ngồi bệt xuống lề đường.
Kia rồi.
Mẹ đang ngồi trên thềm ngôi nhà tối tăm nơi tôi sinh ra.
Mẹ ngẩng mặt lên nhìn tôi. Khi tôi sinh ra, bà tôi đã có một giấc mơ. Một con bò cái lông vàng đang vươn vai, nó vừa thức giấc, khuỵu gối đứng lên. Bà tôi nói rằng tôi sẽ rất giàu nghị lực, vì tôi được sinh ra giống hệt như con bò dùng hết sức để đứng thẳng dậy. Bà còn nói rằng tôi nên được chăm sóc cẩn thận vì tôi sẽ trở thành nguồn vui bất tận. Mẹ nhìn xuống chỗ mu bàn chân của tôi bị đôi dép lê màu xanh cứa sâu. Xương lộ cả ra ngoài vết thương trên chân tôi. Khuôn mặt mẹ méo xệch đi vì buồn bã. Khuôn mặt ấy chính là khuôn mặt tôi trông thấy lúc nhìn vào cái gương ở tủ quần áo sau khi tôi sinh đứa con chết yểu. Ôi con tôi, mẹ thốt lên rồi dang tay ra. Mẹ cho hai tay vào nách tôi cứ như thể ôm đứa trẻ vừa mới chết vào lòng. Mẹ tháo đôi dép lê màu xanh ra khỏi chân tôi và đặt hai bàn chân của tôi lên đầu gối mẹ. Mẹ không cười. Mà cũng không khóc. Mẹ có biết không? Con cũng luôn cần mẹ trong suốt cuộc đời mình.
Phần kết | Chuỗi tràng hạt hoa hồng
Mẹ mất tích đã chín tháng rồi.
Cô đang ở Italia. Ngồi trên bậc đá cẩm thạch nhìn ra quảng trường St. Peter của Tòa thánh Vatican, cô ngắm cây cột hình tháp được mang từ Ai Cập đến. Người hướng dẫn viên du lịch trán đẫm mồ hôi đang gào lên, “Xin mọi người hãy tập trung đến chỗ này,” và hướng dẫn mọi người trong đoàn của cô đứng vào chỗ râm mát dưới bậc thang, nơi có những biểu tượng hình nón khổng lồ. “Chúng ta không được phép nói chuyện trong các viện bảo tàng hay thánh đường. Vì vậy, tôi sẽ cung cấp cho quý vị thông tin về những thứ quan trọng trong bảo tàng trước khi chúng ta vào tham quan. Tôi sẽ đưa cho mỗi vị một cái tai nghe, quý vị hãy cài nó vào tai.”
Cô nhận tai nghe từ người hướng dẫn nhưng không cài lên tai. Người hướng dẫn tiếp tục, “Nếu quý vị không nghe thấy gì từ tai nghe thì có nghĩa là quý vị đứng cách xa tôi quá. Vì có rất nhiều người nên tôi không thể để ý đến từng người được. Quý vị phải ở trong tầm nghe được tiếng của tôi thì tôi mới có thể giới thiệu đầy đủ cho quý vị được.”
Cô treo tai nghe lên cổ rồi đi vào nhà vệ sinh để rửa tay. Mọi người trong đoàn nhìn theo cô khi cô sải bước vào nhà vệ sinh. Cô rửa tay trong bồn rửa và khi mở túi xách lấy khăn lau tay, cô nhìn chằm chằm vào lá thư đã nhàu nát của cô em gái gửi cho mình để ở bên trong. Đây là lá thư cô đã lấy ra từ trong hòm thư ở căn hộ của mình ba hôm trước, đúng vào ngày cô cùng bạn trai rời Seoul. Một tay cầm cái túi du lịch có gắn bánh xe, đứng trước cửa nhà, cô đọc tên cô em gái viết trên phong bì. Từ xưa đến giờ, đây là lần đầu tiên cô nhận được thư từ em gái. Mà đây còn là một lá thư tay chứ không phải email. Cô định mở bức thư ra xem nhưng nghĩ thế nào lại cất vào túi xách. Có lẽ cô nghĩ nếu đọc lá thư đó thì cô sẽ không thể lên máy bay với bạn trai mất. Cô bước ra khỏi nhà vệ sinh và lại ngồi xuống với cả đoàn. Nhưng thay vì đeo tai nghe lên, cô lấy lá thư của cô em gái ra cầm trên tay một lát rồi bóc phong bì thư.
Chị.
Hôm em tới chỗ mẹ ngay sau khi em từ Mỹ trở về, mẹ cho em một cây hồng nhỏ cao tới đầu gối em. Hôm đó em đến lấy đồ đạc gửi ở nhà mẹ. Mẹ bị té xỉu trong khu chứa đồ bên cạnh nhà kho, nơi cất giữ bếp ga, tủ lạnh và bàn ăn của em. Mẹ nằm sóng soài ở đó, chân tay rủ cả ra. Mấy con mèo nhà hàng xóm mà mẹ hay cho cơm đang ngồi xung quanh mẹ. Em vội vàng ra lay mẹ, mẹ mở mắt như thể vừa ngủ dậy, nhìn em và mỉm cười. Mẹ nói, “Đứa con gái thứ hai của tôi về rồi đây!” Mẹ bảo với em là mẹ không sao cả. Giờ thì em biết khi đó mẹ không còn tỉnh táo, nhưng mẹ vẫn khăng khăng rằng mẹ không sao cả. Rằng mẹ đang vào nhà kho để mang cơm cho mấy con mèo. Mẹ vẫn giữ nguyên xi mọi thứ em gửi trước khi em đi Mỹ. Ngay cả đôi găng tay cao su mẹ cũng không động đến, cho dù trước khi đi em đã bảo mẹ cứ dùng. Mẹ kể là trong một lần nhà có giỗ, mẹ đã tính dùng cái bếp ga xách tay nhưng rồi lại thôi. Sao mẹ lại không dùng? Em hỏi mẹ thế thì mẹ nói, Để khi con về, mẹ có thể trao lại cho con mọi thứ còn nguyên vẹn như khi con đi.
Khi em đã chất hết đồ lên xe tải, mẹ ngượng nghịu cầm một cây hồng đi vòng ra từ phía sau nhà, nơi mẹ cất giữ tất cả những chum gia vị. Rễ cây bọc một nắm đất đặt trong túi ni lông. Mẹ đã mua cái cây đó cho em mang về trồng ở khoảnh sân ngôi nhà em mới chuyển đến. Cái cây còn quá nhỏ, em tự hỏi không biết đến khi nào cây hồng này mới cho quả. Nhưng quả tình, em không muốn mang cây hồng về. Nói là nhà có sân nhưng đó đâu phải nhà của em, vả lại em cũng nghĩ không biết ai sẽ chăm sóc cho cái cây đó. Như đọc được ý nghĩ đó của em, mẹ bảo, “Con sẽ thấy cây hồng cho quả ngay thôi; đến bảy mươi năm còn trôi qua vèo vèo nữa là.”
Thấy em vẫn không định mang nó theo, mẹ bảo, “Như thế để khi mẹ không còn nữa, mỗi lần hái quả hồng là con lại nhớ đến mẹ.”
Dạo đó mẹ bắt đầu hay nói câu “Khi mẹ chết...” thường xuyên hơn. Chị cũng biết đấy, từ lâu rồi câu nói đó đã trở thành vũ khí của mẹ. Đó là thứ vũ khí duy nhất của mẹ khi con cái làm những việc mẹ không vừa lòng. Em không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng mỗi khi không tán thưởng việc gì, mẹ lại bảo, Đợi mẹ chết rồi hãy làm thế. Dù chẳng chắc liệu cây hồng nhỏ đó có sống sót được hay không, em đặt nó lên xe tải chở về Seoul rồi chôn gốc của nó xuống đất sâu tới đúng chỗ mẹ đã đánh dấu trên cây. Sau đó, khi lên Seoul, mẹ bảo em trông cái cây sát tường quá, nên chuyển ra trồng chỗ khác. Từ đó mẹ thường xuyên hỏi em đã chuyển cái cây chưa. Em cứ bảo chuyển rồi, mặc dù chưa chuyển. Mẹ muốn em chuyển cây hồng ra cái khoảng trống rộng trong sân mà em đã dự định khi nào mua được ngôi nhà này thì sẽ trồng một cái cây thật to ở đó. Thực sự em không hề nghĩ mình sẽ chuyển cái cây non mới chỉ có hai nhánh, cao chưa chạm đến thắt lưng mình ra trồng ở chỗ đó, nhưng em vẫn trả lời, Vâng mẹ ạ. Trước khi mẹ mất tích, bỗng dưng ngày nào mẹ cũng gọi điện cho em mà hỏi, “Con đã chuyển cái cây ra trồng ở chỗ đó chưa?” Mỗi lần như thế em chỉ bảo, Hôm sau con sẽ chuyển.
Chị ơi. Phải đến tận hôm qua em mới cõng thằng út trên lưng ra đón taxi đến So-orung để mua dụng cụ và phân bón thực vật. Em đào hố đúng chỗ mẹ chỉ rồi đánh cây hồng ra trồng ở đó. Em không thấy hối hận chút nào vì không nghe lời mẹ, chẳng chịu chuyển cây hồng khỏi bức tường, nhưng em thực sự ngạc nhiên khi đánh cái cây lên. Lần đầu tiên mang cây hồng lên đây, rễ của nó trơ trụi tới mức em cứ phải nhìn chăm chăm, nghi ngờ rằng đám rễ thậm chí không thể phát triển trong lòng đất, nhưng lúc em đào cái cây lên để chuyển đi, bộ rễ của nó đã cắm sâu vào lòng đất; đan cài vào nhau. Em vô cùng ấn tượng với sự sống bền bỉ của nó khi nó xoay xở tồn tại đươc trên mảnh đất cỗi cằn như thế. Có phải mẹ cho em cây hồng bé xíu là để em có thể chứng kiến tán lá của nó ngày một sum suê và cành nhánh của nó ngày một đan dày? Phải chăng mẹ có ý bảo với em rằng nếu muốn nhìn thấy cây đơm hoa kết trái thì phải chịu khó chăm sóc cho nó? Hay có lẽ chỉ đơn giản là vì mẹ không có tiền để mua cây to? Lần đầu tiên em thấy yêu thích cây hồng đó. Em không còn hoài nghi liệu cây hồng này có ngày cho quả hay không nữa. Em lại nhớ tới câu mẹ nói, “Sau khi mẹ đi rồi, mỗi lần cầm quả hồng lên ăn thì con sẽ nghĩ đến mẹ.”
Chị có nhớ có lần chị đã bảo em kể cho chị nghe những chuyện về mẹ mà chỉ mình em biết không? Em đã nói là em không biết gì về mẹ cả. Tất cả những gì em biết là mẹ đang mất tích. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Đặc biệt em không biết sức mạnh của mẹ ở đâu mà ra. Thử nghĩ mà xem. Những việc mà người khác không làm được thì mẹ đều tự mình làm cả. Em cho rằng vì thế mà mẹ ngày một cạn kiệt đi. Cuối cùng mẹ trở thành con người không tìm nổi nhà của bất kỳ đứa con nào của mình. Em thấy mình thật là lạ, mặc dù mẹ bị mất tích nhưng vì còn phải cho con cái ăn uống, chải đầu cho chúng và đưa chúng đến trường nên em đã không thể đi tìm mẹ. Chị có nói rằng gần đây em đã thay đổi nhiều, không giống với những người mẹ trẻ khác ngày nay, chị bảo một phần nhỏ trong em hơi giống với mẹ, nhưng chị ơi, dù gì đi nữa, em không nghĩ mình có thể giống được mẹ của chúng ta. Kể từ khi mẹ mất tích, em cứ nghĩ mãi, liệu mình đã là đứa con gái tốt của mẹ chưa? Liệu em đã làm được cho các con mình những việc mẹ đã làm cho em chưa?
Em biết một điều. Em không thể làm được như mẹ. Cho dù em có muốn đi chăng nữa. Mỗi khi cho con ăn, em rất hay nổi cáu. Em cảm thấy gánh nặng, em cảm giác như con cái níu chân mình. Em yêu các con lắm, nhiều lúc em cảm động ứa nước mắt khi nghĩ không biết có thật mình đã sinh ra chúng không, thế nhưng em không thể trao cả cuộc đời mình cho con cái giống như mẹ đã làm được. Trong từng hoàn cảnh, em luôn làm hết sức vì các con, thậm chí em còn có thể hiến dâng cho chúng đôi mắt của chính mình nếu chúng cần, nhưng em vẫn không phải là mẹ. Em cứ mong đứa út mau khôn lớn. Nhiều khi em nghĩ chính con cái đã kìm hãm cuộc đời mình. Khi nào đứa út lớn thêm một chút nữa, em sẽ gửi cháu đến nhà trẻ hoặc thuê người về trông cháu để em còn phải làm việc của em nữa chứ. Nhất định em sẽ làm như vậy. Vì em cũng phải có cuộc sống của riêng mình nữa. Khi nhận ra suy nghĩ này ở bản thân, em tự hỏi sao mẹ có thể làm được những việc mẹ đã làm, và khi đó em mới biết rằng mình không thực sự hiểu mẹ. Dù chúng ta cứ nói là hoàn cảnh sống của mẹ khiến mẹ chỉ có thể nghĩ về chúng ta đi nữa, sao chúng ta có thể nghĩ về mẹ ở cương vị một người mẹ suốt cả cuộc đời như thế cơ chứ? Dù đã làm mẹ, em vẫn có rất nhiều mơ ước của riêng mình và vẫn nhớ không sót một chuyện gì về thời thơ ấu, thời niên thiếu cũng như thời thiếu nữ của mình, thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như là một người mẹ mà thôi? Mẹ đã không có cơ hội theo đuổi những ước mơ của mình, luôn phải một thân một mình đối diện với mọi sự bạc đãi của thời đại, đói nghèo và khốn khổ, và mẹ không thể làm được gì cho số phận buồn thương của mình ngoài gánh chịu nó và vượt qua nó, sử dụng tối đa mọi khả năng của bản thân để sống hết cuộc đời, dâng hiến toàn bộ thể xác và tâm hồn mình cho cuộc đời ấy. Tại sao em chưa từng mảy may nghĩ tới những ước mơ của mẹ?
Chị...
Em đã muốn vục mặt vào cái hố em đào để trồng cây hồng. Em không thể sống giống như mẹ, vậy thì có lẽ nào mẹ lại muốn sống như thế? Sao em chưa một lần nghĩ được như vậy khi mẹ còn ở bên chúng ta? Là con gái của mẹ mà em còn chẳng hay biết gì như thế thì chắc mẹ phải cảm thấy cô đơn biết chừng nào khi ở trước những người khác. Thật bất công khi mẹ đã phải hy sinh tất cả cho chúng ta nhưng chẳng có một ai hiểu được mẹ cả.
Chị. Chị có nghĩ chúng ta sẽ lại được ở bên mẹ dù chỉ một ngày thôi không? Chị có nghĩ em sẽ lại có thời gian để hiểu mẹ nữa không, để lắng nghe những câu chuyện của mẹ, để an ủi ước mơ xưa mẹ đã chôn vùi ở đâu đó trong dòng thời gian? Không cần một ngày, chỉ cần cho em vài giờ đồng hồ thôi cũng được, em sẽ nói với mẹ rằng em yêu tất cả những gì mẹ đã làm, em yêu người mẹ đã hoàn thành được tất cả những công việc đó, em yêu cuộc sống của mẹ, một cuộc sống mà không còn ai nhớ nữa. Rằng em tôn thờ mẹ...
Chị, chị đừng bỏ rơi mẹ, hãy đi tìm mẹ chị nhé...
Em gái cô chắc đã không thể viết ngày tháng hoặc lời tạm biệt ở cuối bức thư. Trên trang giấy có những vết ố hình tròn, có lẽ em gái cô đã khóc, khi viết. Cô nhìn chằm chằm vào những điểm ố vàng ấy hồi lâu rồi gấp lá thư lại cho vào túi xách. Có khi trong lúc em gái cô đang viết thư thì đứa con út đã vơ lấy cái gì đó ở dưới gầm bàn cho vào miệng rồi ra túm lấy hông mẹ và cất giọng ngọng nghịu hát bài Gấu mẹ... rồi đu lên người mẹ. Cô em gái hẳn đã nhìn thằng bé với vẻ mặt u sầu rồi hát theo con, gầy gò! Đứa con trai nhỏ không hiểu được tâm trạng của mẹ nên cứ ngoác miệng ra cười toe toét, và nói, Gấu bố rồi chờ đợi mẹ phụ họa tiếp. Em gái cô nước mắt lưng tròng, đế lời con, béo ị! Có lẽ em gái cô đã không thể viết lời tạm biệt vì phải chơi đùa với con. Có lẽ đứa trẻ đã túm chặt lấy chân mẹ rồi cố leo lên nhưng rồi lại ngã lăn quay và bập trán xuống sàn nhà. Thằng bé sẽ khóc òa lên nức nở. Nhìn thấy vết bầm tím lan rộng trên làn da mỏng manh của đứa bé, có lẽ những giọt nước mắt cố kìm nén của em gái cô bỗng dưng trào ra.
Sau khi cô gấp lá thư lại cất vào túi xách, giọng nói nhiệt tình của người hướng dẫn vọng đến tai cô. “Thứ đặc sắc nhất của viện bảo tàng này chính là bức họa Chúa tạo ra Adam trên trần nhà nguyện Sistine mà chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vào cuối buổi hôm nay. Danh họa Michelangielo đã treo mình trên xà của cái trần đó suốt bốn năm để thực hiện bức bích họa này, thế nên đến cuối đời mình, thị lực của ông ấy kém tới mức nếu không ra ngoài trời thì không thể đọc chữ hay xem tranh được nữa. Bích họa được làm từ vữa, thế nên người họa sĩ phải hoàn thành trước khi lớp vữa khô lại. Nếu họ không thể hoàn thành trong một ngày khối lượng công việc thông thường phải làm trong một tháng thì lớp vữa sẽ khô cong và họ sẽ phải làm lại từ đầu. Vì ông ấy phải treo mình trên không suốt bốn năm trời như thế, tôi nghĩ cũng là dễ hiểu khi ông ấy gặp vấn đề về cổ và lưng trong suốt phần đời còn lại.”
Việc cuối cùng cô làm ở sân bay trước khi lên máy bay là gọi điện về cho người bố ở dưới quê. Sau khi mẹ mất tích, bố cứ đi đi về về giữa Seoul và ngôi nhà ở quê, nhưng từ độ sang xuân bố đã về sống hẳn dưới nhà. Ngày nào cô cũng gọi điện cho bố vào buổi sáng, cũng có khi vào buổi tối. Điện thoại vừa đổ một hồi chuông là bố cô nhấc lên ngay như đã chờ đợi cuộc gọi ấy từ lâu lắm. Bố sẽ nói tên cô trước cả khi cô kịp lên tiếng. Trước đây mẹ cũng luôn đoán ra cô mỗi khi cô gọi điện về nhà như thế. Trong khi đang nhổ cỏ ở luống hoa ngoài sân, nghe thấy chuông điện thoại reo là mẹ bảo ngay với bố, “Ông nghe điện thoại đi, Chi-hon gọi đấy!” Nếu cô có hỏi, “Sao chỉ cần nghe chuông điện thoại là mẹ có thể đoán ra ai đang gọi thế,” mẹ sẽ nhún vai bảo, “Chỉ là... mẹ tự nhiên biết được thôi.” Giờ đây sống một mình trong ngôi nhà trống vắng không có mẹ, bố cũng có thể biết chắc là cô đang gọi, ngay từ tiếng chuông đầu tiên. Cô nói với bố rằng có thể cô sẽ không gọi điện trong một thời gian vì ở bên Roma mà gọi về thì cô lại phải tính xem có làm bố thức giấc không. Như thể chẳng để ý cô đang nói gì, đột nhiên bố cô bảo rằng lẽ ra bố phải đưa mẹ đi phẫu thuật viêm màng phổi.
“Mẹ con cũng bị đau mũi nữa sao?” cô hỏi mà giọng như nghẹn lại, bố cô kể cứ mỗi khi thời tiết thay đổi là mẹ cô lại không thể ngủ được vì ho. Bố cô còn nói thêm, “Đó là lỗi của bố, tất cả là tại bố. Vì bố mà mẹ con không có thời gian chăm sóc chính bản thân mình.” Nếu phải ngày nào khác thì có lẽ cô đã bảo, “Bố, đó không phải là lỗi của ai cả,” nhưng hôm ấy những từ “Phải, tất cả là tại bố” cứ thế nhảy ra khỏi miệng cô. Bố cô buông tiếng thở dài nặng nhọc ở bên kia đầu dây. Bố cô không biết rằng cô đang gọi điện từ sân bay.
“Chi-hon à,” mãi một lúc sau bố cô mới lên tiếng.
“Dạ.”
“Bây giờ thậm chí mẹ con cũng không hiện về trong giấc mơ của bố nữa rồi.”
Cô không nói gì.
Sau một hồi im lặng, bố cô lại bắt đầu nhắc chuyện ngày xưa. Bố kể rằng có một hôm, bố mẹ nấu con cá bao kiếm anh cả cô gửi về biếu. Hôm đó, mẹ đào một củ cải còn nguyên lá xanh ở cánh đồng trên núi về, rũ sạch đất cát, dùng dao gọt, cắt thành từng khúc to rồi rải xuống dưới đáy nồi để om con cá bao kiếm, con cá chín đỏ lên cùng đủ loại gia vị. Khi cá chín, mẹ gỡ thịt cá đặt lên bát cơm trắng tinh của bố. Bố cô sụt sịt khi nhớ lại ngày mùa xuân ấy, trong bữa ăn trưa bố mẹ chia nhau con cá bao kiếm mà mẹ đã om buổi sáng, và sau khi ăn uống no nê, hai người cùng vào trong phòng dang tay ngủ trưa. Bố cô nói khi đó bố đã không biết rằng đó là hạnh phúc. “Bố thấy thương cho mẹ con. Lúc nào bố cũng kêu ca mệt mỏi.” Đó là sự thực. Bố cô hoặc là đi vắng hoặc là ở nhà trong tình trạng ốm đau. Dường như giờ đây bố cô đang rất ân hận về điều đó. Tiếng khóc thầm của người cha già bật lên thổn thức.
“Lúc bố bắt đầu trở nên ốm yếu thì hẳn mẹ con cũng mắc tình trạng tương tự.”
Có phải mẹ thậm chí đã không thể nói ra rằng bà đang đau ốm, phải gạt qua một bên vì sự mệt nhọc của bố cô? Vì phải chăm sóc cho mọi người trong gia đình, mẹ trở thành người không được phép ốm. Khi bước sang tuổi năm mươi, bố cô bắt đầu phải dùng thuốc huyết áp, khớp xương thì tê cứng, bệnh đục thủy tinh thể cũng xuất hiện. Ngay trước khi mẹ mất tích, bố cô đã phải trải qua hàng loạt ca phẫu thuật khớp xương đầu gối trong suốt hơn một năm trời, rồi lại còn phải phẫu thuật tuyến tiền liệt vì đi tiểu khó khăn. Bố cô từng bị đột quỵ, vì vậy mỗi năm ông phải nhập viện ba lần, mỗi lần lại nằm viện nửa tháng tới một tháng, chu trình ấy cứ lặp đi lặp lại như thế. Lần nào bố nằm viện, mẹ cũng phải ngủ trong bệnh viện. Gia đình cô đã thuê người chăm sóc cho bố, nhưng ban đêm mẹ vẫn phải ngủ ở đó. Khi người giúp việc ngủ qua đêm ở bệnh viện, chừng nửa đêm bố cô đi vào nhà vệ sinh rồi chốt cửa lại và không chịu ra ngoài. Có lần đang ở nhà anh Hyong-chol, nhận được điện thoại của người giúp việc đang hốt hoảng vì không biết phải làm gì trước hành động bất ngờ của bố cô, dù đang lúc nửa đêm, mẹ cô vẫn vội vã đi đến bệnh viện để dỗ dành người chồng đang khóa cửa ngồi trong nhà vệ sinh.
“Tôi đây. Mở cửa đi ông, tôi đây mà.”
Chương 4: Và người phụ nữ khác (6)
Cho dù ai có nói gì đi nữa bố cô cũng không mở cửa, nhưng vừa nghe thấy tiếng của mẹ cô là bố cô mở cửa ngay. Lúc ấy, bố cô đang ngồi nép mình bên cạnh bồn vệ sinh. Mẹ dìu bố ra giường, bố nhìn mẹ một hồi rồi cuối cùng thiếp đi. Bố cô đã nói rằng ông không hề nhớ chuyện đó. Ngày hôm sau, khi cô hỏi bố tại sao lại làm như vậy, bố cô đã vặn lại, “Con nói bố làm chuyện đó ấy hả?” Rồi dường như sợ cô hỏi tiếp, bố cô nhắm ngay mắt lại.
“Mẹ cũng phải nghỉ ngơi chứ bố.”
Bố quay người vào trong. Cô biết bố chỉ giả vờ ngủ chứ thực ra vẫn nghe thấy câu chuyện của hai mẹ con. Mẹ nói mẹ nghĩ bố làm như vậy vì bố thấy sợ. Chắc bố con làm thế vì bố con đang ở bệnh viện chứ không phải ở nhà, nửa đêm thức giấc thấy xung quanh toàn người lạ mà lại chẳng có người thân nào, vậy nên bố con mới trốn đi, sợ hãi băn khoăn không biết chỗ này là chỗ nào.
“Có cái gì mà phải sợ đến thế chứ?” Bố cô hẳn cũng nghe thấy cô cáu gắt.
“Con chưa từng sợ cái gì sao?” mẹ cô nói nhỏ rồi nhìn vội về phía bố cô. “Bố con nói rằng đôi khi mẹ cũng hành động như vậy. Bố con kể nhiều lần nửa đêm thức giấc bố không thấy mẹ đâu nên ông ấy phải đi tìm mẹ, lúc ấy mẹ đang trốn trong nhà kho hoặc sau bờ giếng. Mẹ huơ huơ tay trước mặt và nói, ‘Đừng làm thế với tôi...’ Bố con nói lúc ấy mẹ cứ run lẩy bẩy.”
“Mẹ bị như thế sao?”
“Mẹ không nhớ đã làm vậy. Bố con nói bố phải đưa mẹ vào nhà, đặt mẹ nằm xuống, cho mẹ uống nước, và rồi mẹ lại thiếp đi. Mẹ mà còn như thế thì chắc bố con cũng có nỗi sợ.”
“Nhưng sợ cái gì mới được chứ?”
Mẹ lẩm bẩm như nói một mình, “Mẹ nghĩ đó là nỗi sợ cuộc sống lần hồi. Sợ nhất là khi trong chum không còn chút gạo nào cả. Cứ nghĩ đến cảnh để các con phải nhịn đói... môi mẹ lại run lên vì sợ. Có những năm tháng như vậy đấy.”
Bố cô chưa từng kể với cô hay bất kỳ ai trong gia đình về chuyện đôi khi mẹ hành động như vậy. Sau khi mẹ mất tích, mỗi lần cô gọi điện về cho bố là bố lại kể một vài câu chuyện cũ nào đó để trì hoãn không cho cô dập điện thoại, nhưng bố chưa bao giờ kể với cô rằng mẹ thỉnh thoảng lại trốn vào đâu đó giữa đêm trong khi đang ngủ.
Cô nhìn đồng hồ. Đã mười giờ sáng. Không biết bạn trai của cô đã ngủ dậy chưa? Anh ấy đã ăn sáng chưa?
Sáng nay, cô thức dậy vào lúc sáu giờ trong một khách sạn cũ kỹ đối diện nhà ga Terminar. Sau khi mẹ mất tích, cảm giác tuyệt vọng nặng nề bao phủ lên cơ thể và tâm hồn cô, cứ như thể cô đang chìm sâu dưới nước. Cô ngồi dậy trên giường, bạn trai cô đang nằm xây lưng lại với cô thì chợt quay lại và cố ôm cô. Cô gỡ tay anh ra đặt xuống giường. Bị cô từ chối, anh vắt tay lên trán rồi nói, “Ngủ thêm chút nữa đi em.”
“Em không ngủ được nữa.”
Anh bỏ tay ra khỏi trán rồi quay người đi. Cô nhìn chằm chằm vào tấm lưng săn chắc của anh. Cô đưa tay vuốt dọc lưng anh. Sau khi mẹ mất tích, cô chưa một lần ôm chặt lấy tấm lưng này.
Mọi người trong gia đình cô đã kiệt sức vì đi tìm mẹ, cứ gặp nhau là cả nhà lại chìm vào im lặng. Rồi sau đó ai cũng nổi khùng lên. Người thì đá tung cửa để đi ra ngoài, người thì rót rượu vào cốc uống bia rồi nốc một hơi cạn sạch, cố đẩy lùi những ký ức về mẹ từ đâu bỗng ùa về vây lấy mình, cô chỉ nghĩ được một điều: Giá như mẹ có ở đây. Giá như từ phía bên kia ống nghe, mẹ có thể nói thêm một lần nữa, “Mẹ đây!” Trước đây mẹ luôn nói câu ấy mỗi khi nhấc điện thoại. Sau khi mẹ mất tích, anh em cô không thể duy trì được cuộc nói chuyện nào quá mười phút. Câu hỏi “Giờ này mẹ đang ở đâu?” cứ chậm rãi len vào dòng suy nghĩ của cô, khiến cô cảm thấy bất an.
“Hôm nay em muốn đi một mình,” cô đánh bạo lên tiếng.
“Em định làm gì một mình?” bạn trai cô hỏi, vẫn quay mặt vào trong.
“Em định đi đến thánh đường St. Peter. Hôm qua, trong lúc đợi anh ở sảnh khách sạn, em đã đăng ký tour tham quan Tòa thánh Vatican hôm nay rồi. Em phải chuẩn bị để đi đây. Đoàn sẽ xuất phát vào lúc bảy giờ hai mươi phút ở tiền sảnh khách sạn. Họ nói rằng đoàn người vào đó rất dài, nếu chín giờ mà vẫn chưa tới đấy thì phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mới vào được bên trong.”
“Để mai đi cùng với anh.”
“Chúng ta đang ở Roma mà. Ở đây còn rất nhiều nơi em có thể đi cùng anh.”
Cô rửa mặt thật khẽ để khỏi quấy rầy anh. Cô muốn gội đầu nhưng sợ tiếng nước chảy quá to nên cô chỉ buộc gọn tóc ra sau rồi nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trong gương. Cô thay quần áo rồi vừa bước ra khỏi phòng tắm vừa nói như thể mới sực nhớ ra, “Cảm ơn anh vì đã đưa em đến đây.”
Bạn trai cô kéo chăn trùm lên mặt. Cô biết anh đã kiên nhẫn hết sức chịu đựng. Anh đã giới thiệu với tất cả những người họ gặp ở đây rằng cô là vợ mình. Nếu tìm thấy mẹ thì giờ đây có lẽ cô đã trở thành vợ của anh thật rồi. Cô cũng biết rằng anh đã nhận lời đi ăn trưa với mấy cặp đôi khác sau buổi hội thảo sáng nay. Nếu anh đến nhà hàng một mình, những người kia thể nào cũng hỏi anh rằng vợ đi đâu mà không đến. Cô nhìn chằm chằm vào anh, tấm chăn vẫn trùm kín mặt anh, rồi lặng lẽ rời khỏi phòng. Từ khi mẹ đi lạc, cô ngày càng hay hành động bốc đồng. Cô uống rượu vô cùng bốc đồng, rồi có khi đột nhiên ngẫu hứng, cô ra bắt tàu hỏa về nhà bố mẹ dưới quê. Trong lúc đang nằm thao thức nhìn chằm chằm lên trần phòng, cô lại chạy ào ra ngoài đường phố Seoul để đi dán tờ rơi, bất kể khi đó là nửa đêm hay tờ mờ sáng. Có lần cô còn nhảy bổ vào đồn cảnh sát gào lên, “Hãy tìm mẹ tôi đi.” Lúc đến đồn cảnh sát sau khi nhận được tin báo, anh Hyong-chol cứ nhìn cô chằm chằm. Cô còn gào toáng lên đầy kích động với người anh trai đang dần bình thản chấp nhận sự vắng mặt của mẹ và bắt đầu đi chơi golf trở lại, “Hãy đi tìm mẹ đi!”
Cô gào lên vừa để phản đối sự thờ ơ của những người quen biết mẹ mình vừa bởi căm ghét chính bản thân mình vì đã không thể tìm được mẹ. Anh trai cô lặng lẽ lắng nghe những tiếng la hét inh tai tấn công dồn dập từ phía cô, “Tại sao anh lại có thể như thế được chứ? Tại sao anh lại không đi tìm mẹ? Tại sao? Tại sao!” Tất cả những gì anh trai cô có thể làm là cùng cô đi bộ khắp nơi trong thành phố vào buổi đêm. Cô lang thang tìm kiếm mẹ suốt đêm trong những đám đông tụ tập dưới những đường hầm dành cho người đi bộ, khoác trên người chiếc áo lông chồn cô lấy đi từ tủ quần áo của mẹ từ mùa đông năm ngoái, cũng có khi cô vắt chiếc áo ấy trên tay. Làm như thế để khi gặp mẹ, cô có thể choàng chiếc áo ấy lên người mẹ, vì khi đi lạc mẹ mặc bộ đồ mùa hè. Hình bóng cô cầm chiếc áo trên tay đổ dài trên bức tường đá cẩm thạch của những tòa nhà cao tầng khi cô bước đi giữa những người vô gia cư đang nằm ngủ, trên người chỉ có mấy tờ báo hay cái thùng đựng mì làm chăn. Cô luôn mở điện thoại, nhưng giờ đây không còn ai gọi điện đến để báo rằng họ đã nhìn thấy một người trông giống mẹ cô nữa.
Một lần, cô đến ga tàu điện ngầm Seoul, đi tới đúng địa điểm mẹ bị lạc, và bất ngờ thấy anh trai cô đang đứng bần thần ở đó. Anh em cô cứ ngồi đó nhìn những đoàn tàu đến rồi đi cho đến tận chuyến cuối cùng. Anh trai cô nói rằng dạo đầu khi ngồi ở đây như thế này, anh nghĩ mẹ sẽ xuất hiện rồi vỗ vai anh mà gọi, “Hyong-chol!” Nhưng giờ đây anh không còn nghĩ chuyện đó sẽ xảy ra. Anh cô bảo rằng giờ anh chẳng nghĩ được gì nữa, trong đầu anh hoàn toàn trống trơn. Mỗi khi không muốn về nhà ngay sau giờ làm việc, anh lại thấy mình lang thang đến nhà ga này. Có một ngày nghỉ, cô đến nhà anh trai mình. Khi thấy anh bước xuống xe với bộ gậy chơi golf trên tay, cô hét toáng lên, “Anh là đồ tồi!” rồi làm ầm ĩ lên một trận. Nếu ngay đến cả anh trai cô cũng chấp nhận sự biến mất của mẹ thì trên thế giới này ai sẽ là người đi tìm mẹ bây giờ? Cô giật lấy cây gậy đánh golf của anh trai mà ném mạnh xuống đất. Tất cả thành viên trong gia đình cô đang dần trở thành con trai, con gái và người chồng có người mẹ, người vợ mất tích. Dù không có mẹ, cuộc sống thường nhật vẫn tiếp diễn.
Một lần khác, cô đến chỗ mẹ bị lạc vào lúc sáng sớm và lại gặp anh trai mình ở đó. Từ phía sau, cô ôm chặt lấy người anh trai đang đứng trong ánh sáng ban mai. Anh trai cô nói rằng có lẽ chỉ chúng ta, những đứa con của mẹ, nghĩ rằng cuộc đời của mẹ đầy nỗi khổ đau và sự hy sinh. Có lẽ bởi vì đã phạm quá nhiều sai lầm nên chúng ta mới nhớ về mẹ như một con người buồn bã như vậy. Có lẽ thực ra chúng ta đang hạ thấp cuộc đời của mẹ xuống thành một thứ gì đó vô ích. Như để chứng minh, anh trai cô nhắc lại đến những lời mẹ cô hay nói. Mẹ thường nói, “Ơn trời! Đây là một việc chúng ta phải thấy biết ơn!” khi có chuyện gì đó dù rất nhỏ diễn ra thuận lợi. Mẹ luôn biểu lộ sự biết ơn đối với những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà ai cũng có. Anh trai cô nói rằng lòng biết ơn của mẹ xuất phát từ trái tim chân thành. Mẹ thường nói lời cảm ơn trong mọi việc. Một người luôn biết ơn như vậy không thể nào lại có cuộc đời bất hạnh đâu. Khi chia tay, anh cô nói, “Anh sợ rằng dù có trở về mẹ cũng sẽ không nhận ra anh nữa.” Cô nói với anh rằng, với mẹ, anh là người quý giá nhất trên thế gian. Cho dù anh có thay đổi thế nào và ở đâu đi chăng nữa thì mẹ vẫn có thể nhận ra anh. Khi anh trai cô vào trại huấn luyện để chuẩn bị thi hành nghĩa vụ quân sự, có một ngày các bậc phụ huynh được mời đến thăm trại. Mẹ cô làm bánh gạo, cho vào rổ đội lên đầu rồi dẫn cô đi thăm anh trai. Cho dù giữa hàng trăm người lính mặc quần áo giống hệt nhau đang biểu diễn những động tác taekwondo y như nhau, mẹ vẫn nhận ngay ra anh trai cô. Trong mắt cô, tất cả những người lính ấy trông cứ hao hao, nhưng mẹ cô nở nụ cười rạng rỡ, vừa chỉ trỏ vừa bảo, “Anh trai con ở kia kìa!”
Một lần, hai anh em cô đang ngồi tâm sự thân tình về mẹ, nhưng một lát sau cô to tiếng với anh trai mình, vặn hỏi anh tại sao không làm nhiều việc hơn nữa để tìm mẹ. Cô hét lên với anh, “Sao anh lại nói về mẹ cứ như mẹ sẽ không thể trở về thế?” Anh trai cô nói, “Hãy nói cho anh biết, anh còn phải làm gì nữa để tìm mẹ đây?” Rồi trong cơn tuyệt vọng, anh trai cô bứt tung mấy cái cúc của chiếc áo mi trắng mặc bên trong áo vest, và cuối cùng anh khóc trước mặt cô. Từ sau hôm đó, anh trai cô không nhận điện thoại của cô nữa.
Mãi sau khi mẹ mất tích, cô mới nhận thấy rằng những câu chuyện về mẹ đã chất đầy trong tâm hồn cô, không bao giờ vơi cạn. Cuộc sống thường nhật của mẹ cứ lặp đi lặp lại, không có điểm ngừng. Những lời nói hằng ngày của mẹ, những lời mà khi còn ở bên mẹ, cô chẳng bao giờ suy nghĩ sâu xa, thậm chí đôi khi còn xem như thứ vô giá trị, nay lại dội ngược lên tâm trí cô như những con sóng cuộn trào. Cô đã hiểu ra một điều. Đó là vị thế của mẹ trong cuộc đời không hề thay đổi ngay cả khi chiến tranh đã đi qua, ngay cả khi gia đình này đã có của ăn của để. Khi gia đình lâu ngày mới gặp mặt, lúc mọi người đang ngồi quây quần quanh bàn ăn trò chuyện cùng bố về cuộc bầu cử tổng thống thì mẹ vẫn phải cặm cụi làm đồ ăn để bưng ra, vẫn phải lau chùi chén đĩa và giặt giũ phơi phóng mớ giẻ. Mẹ còn phải lo việc sửa chữa cổng, mái nhà và sàn nhà. Lẽ ra cô phải giúp đỡ mẹ những công việc mẹ làm không ngơi nghỉ ấy, đằng này cô thậm chí còn xem đó là lẽ đương nhiên và vô tư coi đấy là công việc của mẹ. Đôi khi, đúng như lời anh trai cô đã nói, cô nghĩ cuộc đời của mẹ thật là đáng chán. Mặc dù mẹ đã luôn cố gắng cật lực để dành cho cô tất cả những gì tốt đẹp nhất, tuy mẹ chưa một lần được ở trong hoàn cảnh thuận lợi. Mặc dù chính mẹ là người đã vỗ về cô khi cô cảm thấy cô đơn.
Khi những chiếc lá non nhỏ xíu bắt đầu tua tủa nhú lên trên những cây ngân hạnh ở gần Tòa thị chính, cô ngồi thu mình dưới một gốc cây to trên con đường lớn dẫn đến Samchong. Không thể tin được rằng mùa xuân đang đến mà không có mẹ ở đây. Mặt đất đóng băng đang tan ra và cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Trái tim cô, vốn là thứ đã giúp cô sống sót qua thử thách này với niềm tin rằng một ngày kia cô sẽ tìm được mẹ, giờ đây tan nát. Cho dù mẹ mất tích thì mùa hè vẫn đến, mùa thu sẽ lại về và mùa đông cứ sang như vốn dĩ. Và con sẽ sống trong một thế giới không có mẹ. Cô có thể tưởng tượng ra một con đường hoang vắng. Người phụ nữ bị lạc đi đôi dép lê màu xanh đang bước lảo đảo trên con đường đó.
Không cho bất kỳ ai trong gia đình hay biết, cô theo bạn trai sang Roma khi anh tới đó tham dự hội thảo. Mặc dù chính anh đã đề nghị cô đi cùng, anh không mong đợi cô đồng ý. Khi cô quyết định chắc chắn đi cùng, anh hơi ngạc nhiên, nhưng anh vẫn kiên nhẫn thu xếp một số thay đổi trong lịch trình của mình. Trước ngày khởi hành, bạn trai cô còn gọi điện cho cô để hỏi lại xem có gì thay đổi không. Khi lên chuyến máy bay đến Roma cùng anh, lần đầu tiên cô tự hỏi không biết có phải ước mơ của mẹ là được đi du lịch không. Bởi vì lúc nào mẹ cũng mặt mày lo lắng, bảo cô không được đi máy bay, nhưng mỗi khi cô trở về từ đâu đó, mẹ lại hỏi rất kỹ về nơi cô vừa tới thăm. Người Trung Quốc ăn mặc như thế nào? Thổ dân da đỏ cõng trẻ con ra sao? Ở Nhật Bản, món gì ngon nhất? Những câu hỏi của mẹ làm cô xoay như chong chóng. Thế nên cô luôn trả lời ngắn gọn, đàn ông Trung Quốc cởi trần vào mùa hè và cứ thế đi khắp nơi, người phụ nữ thổ dân da đỏ mà con nhìn thấy ở Peru địu con của mình trong cái túi lưới đeo bên sườn, món ăn của Nhật Bản rất ngọt. Nếu mẹ hỏi thêm, cô sẽ bực mình đáp, “Rắc rối quá, con sẽ kể cho mẹ nghe sau!” Nhưng sau đó cô chẳng có cơ hội để kể những chuyện ấy cho mẹ. Vì cô còn có rất nhiều việc khác cần phải giải quyết. Cô ngả hẳn người ra ghế máy bay và thở dài đánh thượt. Chính mẹ là người đã bảo cô nên sống ở một nơi nào đó thật xa. Cũng chính mẹ là người đã gửi cô từ vùng quê nơi cô sinh ra lên thành phố xa xôi từ khi cô còn ít tuổi. Người mẹ của thuở ấy. Cô đau đớn nhận ra rằng khi đưa cô lên thành phố rồi để cô ở lại và vội vàng bắt chuyến tàu đêm để về quê, mẹ đúng bằng tuổi cô bây giờ. Một người phụ nữ. Người phụ nữ ấy biến mất, từng chút từng chút một. Người phụ nữ ấy đã phải quên đi niềm vui được sinh ra trên cuộc đời này, quên đi tuổi thơ và những ước mơ, lấy chồng trước cả khi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, sinh năm đứa con và nuôi nấng chúng. Đó là người phụ nữ không bao giờ ngạc nhiên hay nao núng trước bất cứ điều gì, ít nhất là trong những việc liên quan đến con cái. Đó là người phụ nữ đã phải chịu bao nhiêu hy sinh trong cuộc đời cho đến tận ngày bị mất tích. Cô thử làm phép so sánh giữa chính cô với mẹ mình. Nhưng bản thân mẹ đã là một thế giới hoàn chỉnh. Nếu là mẹ, cô đã không chạy trốn như thế này, chạy trốn khỏi sự sợ hãi.
Nói cho đúng thì toàn bộ thành phố Roma là một khu di tích lịch sử. Tất cả những điều xấu về Roma mà cô được nghe là: nhân viên ngành đường sắt thường xuyên bãi công và thậm chí không bao giờ xin lỗi hành khách, những kẻ xấu sẽ kéo tay bạn và giật đồng hồ đeo tay của bạn ngay trước mắt bạn, về đêm đường phố sẽ bị vẽ bậy và chất đầy rác rưởi. Cô không quan tâm đến những điều đó. Cô thờ ơ giương mắt nhìn khi tay tài xế taxi trộm đồ của mình và một kẻ nào đó chôm ngay chiếc kính mát cô vừa tháo ra để bên cạnh. Nhưng cô vẫn một mình đi đến nhiều khu phế tích trong suốt ba ngày qua, khi bạn trai cô phải tham dự hội thảo. Cô đi tới những nơi như chợ Roma, đấu trường cổ, nhà tắm công cộng Calacalla, khu hầm mộ. Cô đứng lặng người trong những khu phế tích mênh mông của thành phố rộng lớn này. Mọi thứ ở Roma đều là biểu tượng của nền văn minh. Mặc dù những vết tích của quá khứ trải rộng ra trước mắt cô bất kể nơi nào cô bước chân tới, cô không lưu giữ một điều gì trong trái tim mình.
Giờ đây, cô đang ngắm nhìn những bức tượng thánh ngoài quảng trường, nhưng ánh mắt cô không dừng lại ở nơi nào cả. Người hướng dẫn viên du lịch giải thích rằng Vatican không chỉ là một quốc gia của thế giới thế tục mà còn là đất nước của Chúa. Lãnh thổ chưa đầy 44 héc ta, nhưng lại là một quốc gia độc lập có hệ thống tiền tệ và tem bưu chính riêng. Cô không để ý gì đến những lời giải thích của hướng dẫn viên. Mắt cô hết nhìn người này lại tới người kia. Mặc dù chỉ có ít người ở xung quanh đây, ánh mắt bất an của cô vẫn nhảy từ gương mặt này sang gương mặt khác, cô tự hỏi liệu mẹ có ở đâu đó quanh đây không? Vẫn biết chẳng có lý gì mẹ lại ở trong nhóm du khách phương Tây này, nhưng ngay lúc này đây, ánh mắt của cô không sao ngưng lại ở một thứ gì đó được. Bất chợt cô chạm phải ánh mắt của người hướng dẫn, anh ta từng kể mình tới đây học thanh nhạc đã được bảy năm. Cảm thấy bối rối vì không đeo tai nghe, cô đành lấy tai nghe đeo lên. “Vatican là quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới,” hướng dẫn viên tiếp tục giới thiệu. “Nhưng mỗi ngày có đến ba vạn người tới tham quan nơi này.” Ngay khi lời giới thiệu của người hướng dẫn lọt vào tai cô thông qua tai nghe, cô cắn phập vào phía trong môi dưới. Lời của mẹ bất chợt xuất hiện trong đầu cô. Chuyện đó xảy ra khi nào nhỉ? Mẹ đã từng hỏi cô nước nào là nước nhỏ nhất thế giới. Mẹ còn đề nghị là nếu có khi nào cô tới đó thì hãy mua cho mẹ một chuỗi tràng hạt làm từ gỗ hồng mộc. Nước nhỏ nhất thế giới. Cô bỗng tập trung chú ý. Đất nước này phải không? Đất nước Vatican này sao?
Vẫn đeo tai nghe, cô tách ra khỏi đoàn người lúc đó đang ngồi phía dưới bậc thềm đá hoa cương để tránh nắng và một mình đi vào viện bảo tàng. Mẹ đã nói là chuỗi tràng hạt làm từ gỗ hồng mộc sao? Cô đi lướt qua những tác phẩm điêu khắc và những bức tranh tường lộng lẫy trải dài như vô tận trước mắt. Chắc chắn quanh đây phải có cửa hàng bán đồ lưu niệm. Thể nào cũng có chuỗi tràng hạt hoa hồng ở đó. Cô mau lẹ lách qua mọi người để đi tìm chuỗi tràng hạt hoa hồng rồi dừng bước ở điện thờ trong nhà nguyện Sistine. Michelangielo đã treo mình trên xà của cái trần cao tít này hằng ngày trong hơn bốn năm trời để thực hiện bức bích họa này ư? Kích cỡ khổng lồ của bức bích họa vĩ đại đó khiến cô hết sức kinh ngạc, trông thật khác hẳn với những gì cô thấy trong sách báo. Nếu kết thúc dự án này mà danh họa không gặp những vấn đề về thể chất thì mới là lạ. Sự gian truân và nhiệt huyết của người họa sĩ tràn xuống như mưa rơi trên gương mặt cô khi cô đứng dưới bức tranh Chúa tạo ra Adam. Dự cảm của cô quả không sai. Ngay khi ra khỏi nhà nguyện Sistine, cô nhìn thấy một cửa hàng bán sách và đồ lưu niệm. Mấy bà xơ mặc áo trắng đang đứng sau quầy. Cô bắt gặp ánh mắt của một bà xơ trong số đó.
“Quý khách là người Hàn Quốc phải không?” Một câu tiếng Hàn bật ra từ miệng bà xơ.
“Vâng.”
“Tôi cũng đến từ Hàn Quốc. Cô là người Hàn Quốc đầu tiên mà tôi gặp kể từ khi tôi đến đây đấy. Tôi đến đây bốn ngày trước.” Bà xơ mỉm cười.
“Cửa hàng có chuỗi tràng hạt hoa hồng không ạ?”
“Chuỗi tràng hạt hoa hồng ư?”
“Chuỗi tràng hạt làm từ gỗ hồng mộc ấy?”
“À.” Bà xơ dẫn cô đến một góc của quầy hàng. “Có phải cái này không?”
Cô đón lấy cái hộp gỗ hồng mộc bà xơ đưa cho và mở ra xem. Từ trong cái hộp được đóng kín, hương hoa hồng tỏa ra ngào ngạt. Mẹ có biết mùi hương này không nhỉ?
“Nó vừa được một linh mục ban phước lành sáng nay đấy.”
Có phải đây là chuỗi tràng hạt hoa hồng mà mẹ đã nhắc đến không nhỉ?
“Có phải chuỗi tràng hạt hoa hồng này chỉ có thể tìm thấy ở đây không?”
“Không, ở đâu cũng có ấy mà. Nhưng dù sao đây là Vatican, chuỗi tràng hạt hoa hồng ở đây sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.”
Cô nhìn chăm chú vào miếng dán đề 15 Euro trên chiếc hộp đựng chuỗi tràng hạt. Bàn tay cô run run khi đưa tiền cho bà xơ. Khi đưa chiếc hộp cho cô, bà xơ hỏi, “Cô mua làm quà à?” Làm quà ư? Mình có thể tặng cho mẹ thứ này được không? Mình có thể không? Khi cô gật đầu, bà xơ lấy trong quầy ra một phong bì màu trắng in hình bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi, cho chiếc hộp đựng chuỗi tràng hạt vào rồi dùng keo dán lại.
Cầm chiếc hộp đựng chuỗi tràng hạt hoa hồng trên tay, cô rảo bước ra phía Thánh đường St. Peter. Từ cửa vào, cô nhìn vào bên trong. Ánh sáng từ trần thánh đường hình cầu tuôn chảy bên trên tán che bàn thờ chính tráng lệ, bằng đồng. Các thiên thần bay lơ lửng giữa những đám mây trắng trong bức bích họa trên trần. Cô bước một bước vào Thánh đường và nhìn lên vầng hào quang lớn được sơn bóng loáng đang đung đưa phía xa xa. Đang bước xuôi lối đi chính giữa tới chỗ vầng hào quang đó, bước chân cô bỗng trở nên ngập ngừng. Có cái gì đó kéo cô rất mạnh. Cái gì vậy nhỉ? Cô lách qua đám đông, bước về phía có thứ đang hút cô như nam châm. Mọi người đang nhìn cái gì thế nhỉ? Cô ngẩng đầu nhìn theo. Thì ra đó là bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi của Michelangielo. Bức tượng Đức Mẹ đang ôm thi thể đứa con trai trong lòng nằm gọn sau tấm kính chắc chắn. Như thể bị ai lôi đi, cô vội vã lướt qua đám đông đến trước bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Ngay khi nhìn thấy dáng vẻ trang nhã của Đức Mẹ đang ôm thi thể người con trai vừa trút hơi thở cuối cùng, cô cảm thấy như mình hóa đá ngay tại chỗ. Bức tượng đó làm bằng cẩm thạch đúng không nhỉ? Dường như thi thể người con trai vẫn còn chút hơi ấm. Nhìn xuống thi thể người con trai nằm trong lòng mình, đôi mắt của Đức Mẹ như chìm vào tận cùng đau khổ. Mặc dù cái chết chắc hẳn đã đi qua, cơ thể hai mẹ con dường như vẫn rất thật; tưởng chừng như một cái móng tay cũng có thể bấm vào da thịt họ. Người phụ nữ đã bị từ chối bổn phận làm mẹ vẫn mở rộng lòng mình ôm ấp thi thể đứa con trai. Hai mẹ con họ trông hết sức sống động, như thể còn đang sống. Cô cảm thấy có ai đó đang đập đập vào lưng mình nên vội vàng quay lại nhìn. Cô có cảm giác như mẹ đang đứng ở đằng sau lưng.
Cô nhận ra mình có thói quen nghĩ về mẹ mỗi khi có những chuyện không hay xảy đến trong cuộc sống. Bởi vì cứ nghĩ đến mẹ là chừng như mọi thứ quay trở lại đúng quỹ đạo, và một nguồn sức mạnh mới lại trào dâng trong cô. Cô vẫn quen tay gọi điện cho mẹ ngay cả khi mẹ đã mất tích. Có nhiều ngày cô định gọi điện cho mẹ nhưng rồi lại đứng lặng người. Cô lấy chuỗi tràng hạt hoa hồng ra đặt trước bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi rồi quỳ xuống. Dường như bàn tay kẹp dưới nách người con trai đã chết của Đức Mẹ đang động đậy. Quả thực quá nặng nề khi phải nhìn bộ dạng khổ não của Đức Mẹ trong lúc ôm thi thể của người con trai đã chết sau khi bị những cơn đau giày vò. Tất cả âm thanh bỗng dưng vụt biến mất, và ánh sáng tràn xuống từ trần thánh đường cũng tắt lịm. Thánh đường của đất nước nhỏ nhất trên thế giới này chợt rơi vào sự tĩnh lặng thăm thẳm. Máu không ngừng rỉ ra từ chỗ da mềm mại phía trong môi dưới của cô. Cô nuốt ngụm máu đã chảy đầy trong miệng rồi cố gắng ngẩng mặt lên ngước nhìn Đức Mẹ. Lòng bàn tay của cô tự nhiên với ra để chạm vào tấm kính chắc chắn ấy. Nếu có thể, cô muốn che đôi mắt sầu thương của Đức Mẹ lại. Cô có thể ngửi thấy hương dầu thơm của mẹ nồng nàn quanh đây, như thể cô đã nằm ngủ chung chăn với mẹ tối hôm qua và ôm chặt lấy mẹ ngay khi cô tỉnh giấc vào buổi sáng hôm nay.
Có một mùa đông, mẹ nắm lấy đôi tay nhỏ bé, lạnh cóng của cô bằng bàn tay thô kệch của mình và dắt cô đến gần bếp lò trong bếp. “Chao ôi, tay con lạnh như băng rồi!” Hai mẹ con ngồi trước lò, mẹ ôm cô vào lòng, xoa xoa liên hồi cho tay cô ấm lên, cô hít hà mùi thơm đặc biệt của mẹ.
Cô cảm thấy như những ngón tay đó dưới nách người con trai đã ngừng thở của Đức Mẹ đang vươn dài ra vuốt ve má cô. Cô vẫn quỳ gối trước Đức Mẹ, Người đang chật vật cố nâng cánh tay của con trai, móng tay của người mẹ bấm lõm trên da thịt người con, cho đến tận khi cô không còn nghe thấy tiếng bước chân nào trong thánh đường. Cô chợt mở choàng mắt. Cô nhìn chằm chằm vào đôi môi của Đức Mẹ nằm phía dưới đôi mắt đang đắm chìm trong nỗi buồn bất tận. Đôi môi ấy đang mím chặt với vẻ thanh nhã bất khả xâm phạm. Cô buông một tiếng thở dài. Đôi môi thanh nhã của Đức Mẹ đã vượt qua nỗi buồn trong mắt, trở thành niềm trắc ẩn. Cô lại nhìn thi thể người con trai đã chết. Cánh tay và đôi chân của người con vẫn đang gác trên đầu gối Đức Mẹ một cách thật yên bình. Cho dù đã chết, người con ấy vẫn nhận được sự an ủi của người mẹ. Nếu cô nói với bất kỳ ai trong nhà là cô đi du lịch, họ sẽ cho rằng cô đã từ bỏ việc tìm mẹ. Không có cách gì để thuyết phục mọi người nghĩ khác đi, thế nên cô đã đến Roma mà không nói cho ai biết. Cô đến đấy để ngắm bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi ư? Khi bạn trai rủ cô đến Ý cùng với anh ấy, có lẽ cô đã vô thức nghĩ đến bức tượng Đức Mẹ đang chìm đắm trong khổ đau khi ôm lấy thi thể người con trai này. Cũng có thể cô đã muốn được cầu nguyện ở chính nơi này, cầu xin cho cô được nhìn thấy một lần cuối cùng người phụ nữ sống trong đất nước nhỏ bé ở rìa đại lục châu Á xa xôi, cầu xin tìm thấy người phụ nữ ấy, và đó chính là lý do cô đến đây. Nhưng cũng có thể không phải vậy. Có thể cô đã biết rằng mẹ không còn tồn tại trên thế giới này nữa. Có thể cô đến đây vì muốn cầu xin mọi người đừng lãng quên mẹ, hãy yêu thương mẹ. Nhưng giờ đây, nhìn thấy bức tượng đặt trên bệ phía bên kia tấm kính, cánh tay yếu ớt của Đức Mẹ ôm trọn mọi nỗi buồn của nhân loại từ khi Chúa sáng thế, cô không nói được điều gì. Cô cứ nhìn chăm chú vào đôi môi Đức Mẹ. Cô nhắm mắt lại và một giọt nước mắt lăn xuống gò má cô. Cô quay bước, loạng choạng rời khỏi nơi đó. Một đoàn linh mục và con chiên đi qua bên cạnh cô, có lẽ họ sắp làm lễ Thánh Misa. Cô bước ra cửa thánh đường, lơ đãng nhìn xuống quảng trường bao bọc bởi những hành lang dài hun hút cùng vầng ánh sáng chói lòa. Phải cho đến tận lúc này câu nói mà cô đã không thể thốt lên trước tượng Đức Mẹ mới bật ra khỏi miệng cô.
Hãy chăm sóc mẹ.
The end